Kỹ năng đọc sách nhanh mà hiệu quả

Muốn đọc sách nhanh mà hiệu quả, anh em có thể tham khảo những chiến lược sau.
Thường khi đọc truyện hay tiểu thuyết, chúng ta không cần vội vàng gấp gáp. Những loại này nên đọc với tâm thế thưởng ngoạn: chậm rãi mà thư thái.

Tuy nhiên với những loại sách phi hư cấu (non-fiction), như sách lịch sử, khoa học, sách dạy kỹ năng hoặc sách giáo trình, chúng ta nên luyện cho mình kỹ năng đọc sách nhanh mà hiệu quả thông qua những chiến lược sau:

1 | Có sẵn trong đầu một câu hỏi cần nhờ sách giải đáp

Thường ta tìm đọc non-fiction khi có thắc mắc trong đầu. chẳng hạn như khi muốn biết Hitler sinh ra và lớn lên thế nào. 

Tuy ngày nay Google có thể giải đáp nhanh gọn lẹ, nhưng sách vẫn cung cấp những thông tin có kiểm chứng, có chiều sâu và độ tin cậy cao hơn.

Nếu không có thắc mắc hay câu hỏi, chẳng ai đọc non-fiction làm chi cho đau đầu (trừ một số ít vẫn có "thú vui" đọc sách hack não để giải khuây).
Và đây cũng là điều kiện đầu tiên để đọc sách nhanh mà hiệu quả. Trước khi tìm đọc một tài liệu nào đó, bạn phải có sẵn trong đầu một câu hỏi cần tìm lời giải.

Nhờ đó, "bộ lọc thông tin" của bạn sẽ mạnh hơn. Bạn sẽ bỏ qua được những thông tin không cần thiết để nhanh chóng tìm đến đúng những thông tin cần thiết giúp trả lời câu hỏi ban đầu.

2 | Chọn đúng sách để đọc

Khi đã có câu hỏi, hãy khoanh vùng đề tài để chọn sách. Chẳng hạn câu hỏi "Hitler sinh ra và lớn lên thế nào" ở trên chắc chắn chỉ có thể tìm ra lời giải ở những sách lịch sử, hồi ký, tiểu sử nhân vật...

Có thể Google với từ khóa "sách về Hitler" hoặc "books about Hitler", đọc lướt qua những review để biết đâu là những cuốn đáng đọc, đâu là những cuốn nên cho qua. Cũng có thể hỏi ý kiến bạn bè.

Bạn cũng có thể tham gia cộng đồng sách uy tín Goodreads hoặc vào Amazon để tham khảo ý kiến những người đã đọc và mua cuốn sách đó.

Một việc nữa để biết rõ hơn về phương pháp nghiên cứu hoặc giọng văn của tác giả có phù hợp với mình không là cố đọc cho hết phần Mở đầu (thường sẽ được đọc miễn phí), kéo dài tầm 2-3 trang giấy.
ới số lượng các đầu sách khổng lồ ngày nay, đây là cách duy nhất để mình không mất thời gian vô ích.

3 | Tra cứu mục lục

Khi đã có cuốn sách cần đọc, để tiết kiệm thời gian, nên xem trước mục lục phần thông tin mình cần tìm kiếm ở đâu.

Chẳng hạn một cuốn sách về cuộc đời Hitler có thể dày đến 500 trang, nhưng cái bạn quan tâm chỉ là những chuyện xảy ra trong cuộc đời ông ta trước tuổi trưởng thành.

Lúc này, nhờ mục lục, bạn biết rằng, thông tin mình cần tìm chỉ đâu đó ở 200 trang đầu mà thôi. 
Nếu đọc ebook trên máy tính, bạn thậm chí còn tận dụng được chức năng tìm kiếm với từ khóa. 

Chẳng hạn, mẹ của Hitler tên Klara Hitler. Bạn muốn tìm những thông tin liên quan đến bà này trong một ebook, chỉ cần search từ khóa "Klara" và lướt qua những đoạn văn chứa từ khóa này.

4 | Kết hợp ghi chú

Nên dùng giấy bút để ghi chú, tổng hợp, sắp xếp lại những mẩu thông tin đã đọc. Nếu biết dùng sơ đồ tư duy (mind map) thì càng tốt.

5 | Tập trung tối đa

Hiển nhiên đây là bước khó thực hiện nhất trong thời đại ngày nay, thời đại của multi-tasking. Tạm thời, các bạn có thể tham khảo bài sau:
Cá nhân tôi không tin lắm vào những mẹo như đọc dọc, đọc chéo, mở rộng khẩu độ hay dùng bút chì.v.v... Tôi nghĩ những mẹo có thể phù hợp với người này nhưng không hợp với người kia.

Quan điểm của tôi: Tập trung là điều kiện cần để đọc sách nhanh mà hiệu quả. Còn điều kiện đủ là gì thì mỗi người tự đúc kết dựa trên trải nghiệm của mình. 

6 | Luyện tập thường xuyên

Điều cuối cùng cần nhớ là đọc thường xuyên, đọc mỗi ngày.

Điều này chắc chắn sẽ giúp năng lực phân tích và tổng hợp thông tin của mình "tinh nhuệ" hơn.
Khi đó, chỉ cần lướt qua vào một đoạn văn, mình sẽ biết ngay câu nào là quan trọng nhất, nắm toàn bộ ý chính của cả đoạn.