Có thể thấy, các phương thức dạy con cũng vô cùng phong phú: Dạy con kiểu Do Thái, kiểu Mỹ, kiểu Nhật, kiểu Đức, kiểu Pháp…
Quy tắc dạy con cũng có thể được các chuyên gia liệt kê ra hàng trăm, thậm chí hàng nghìn.
Nếu đọc sách, tìm tòi trên Internet chưa giúp giải quyết vấn đề, có thể tham gia những khóa học, khóa đào tạo với những chương trình từ căn bản đến chuyên sâu đủ cả.
Quả thật, không sai khi nói rằng, “nghề” làm cha mẹ là một trong những nghề gian nan, trần ai nhất. Nghề này cũng như bao nghề, muốn giỏi thì cần phải học. Nhưng học kiểu gì cũng được, chỉ cần cha mẹ đừng quên một điều.
Làm cha mẹ không chỉ là chuyện DẠY CON mà còn là việc RÈN MÌNH.
Bởi, hành trình đồng hành nuôi dạy con cũng chính là hành trình phát triển của chính ba mẹ. Có câu: sinh con rồi mới sinh cha – Con bạn chính là người giúp bạn vào “nghề” làm bậc sinh thành. Vì sự xuất hiện của con cái, cha mẹ cũng có động lực để học hỏi và làm cho bản thân trở nên tốt hơn. Từ những biểu hiện của con cái, bạn mới có thể thấy được mình là một cha mẹ như thế nào.
Dân gian có câu: Nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình. Khi bạn trồng một cái cây, thấy lá trên cây vàng đi, bạn biết rằng đất đang khô, cần chúng ta tưới nước. Trong quá trình trưởng thành của trẻ, khi thấy trẻ gặp vấn đề, hãy tự hỏi: Phải chăng “đứa trẻ” bên trong tôi cũng đang gặp vấn đề?
Con cái là tấm gương phản chiếu hình ảnh của cha mẹ chúng. Nhà giáo dục Suhomlinski từng nói: “Mỗi khi nhìn thấy con trẻ chính là lúc bạn đang nhìn thấy chính mình. Bạn dạy con bạn cũng chính là đang tu sửa chính mình”.
Mục lục